Cha mẹ đừng vội trách mắng khi con không chịu chào hỏi người lớn: Theo các chuyên gia, đó là điều bình thường
17/03/2021954 lượt xem

Cha mẹ nào cũng muốn con có phép tắc, lịch sự, biết chào hỏi khi gặp người lớn, nhưng trẻ con vẫn chưa hiểu đó là một nghi thức xã hội cần có. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên dạy trẻ những quy tắc giao tiếp giữa các cá nhân và từ từ hướng dẫn trẻ.
Không được gán mác cho trẻ
- Đừng tự ý gán mác "bất lịch sự" cho con và đừng nói với con rằng "không chào hỏi là thô lỗ", "mọi người sẽ không thích con nếu con không chào", "mẹ sẽ không cho con kẹo nếu con không biết chào khi gặp người lớn"…
- Đôi khi cha mẹ thấy, việc gán mác con không có gì là sai, không ảnh hưởng gì tới tâm lý của trẻ. Nhưng những lời đe dọa hay gán mác nói trên lại khiến trẻ càng trở nên chống đối và nếu có phải làm theo ý bố mẹ, chúng cũng chỉ làm một cách miễn cưỡng.
- Dạy con phép lịch sự là quá trình bố mẹ dạy cách tương tác giữa các cá nhân chứ không phải là dùng biện pháp ép buộc hay đe dọa. Cha mẹ dạy con với thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng, trẻ sẽ thấm và thuận theo hơn là đe dọa hay trách mắng.
Nói với con tầm quan trọng của lời chào
- Với những bé ở độ tuổi mầm non cha mẹ nên giảng giải một cách đơn giản cho con về tầm quan trọng của lời chào. Hãy nói cho con biết, chào hỏi là một hành vi tốt, nên làm và là một hành động giúp tăng cường kết nối mọi người với nhau.
- Hãy để trẻ hiểu cảm xúc mà lời nói và hành động chúng ta mang lại cho người khác. Khi con chào hỏi mọi người, con sẽ khiến cho mọi người vui vẻ và giúp cho con cùng người đó có cảm tình và thân thiện với nhau hơn.
Thiết lập mối quan hệ của trẻ với người khác
- Đối với trẻ, nhất là những bé nhút nhát và hướng nội, khi nhìn thấy người lạ, phản ứng của chúng sẽ có phần đề phòng. Nếu cha mẹ yêu cầu con chào hỏi, trong đầu trẻ sẽ có câu hỏi: "Đây là ai, tại sao mình phải chào họ?".
- Để tránh trường hợp đó xảy ra, cha mẹ nên giới thiệu cho trẻ trước như: "Đây là một người bạn của bố mẹ, đây là cô/chú A, B, C ở cùng tầng chung cư nhà mình, con có thể nói lời chào khi gặp cô/chú được không?".
Bố mẹ phải là tấm gương tốt
- Muốn giáo dục con tốt, cha mẹ phải là tấm gương tốt. Ví dụ như, nếu bố mẹ nhìn thấy người hàng xóm, người quen biết nhưng lờ đi không chào hỏi thì cũng không làm cách nào dạy con phải biết chào hỏi người lớn.
- Hơn nữa, muốn dạy con cách chào hỏi lễ phép, đầu tiên bạn cần có thái độ khoan dung và kiên nhẫn. Nếu ngay lúc đó trẻ thực sự không muốn, hãy tôn trọng trẻ và giải thích dần cho trẻ hiểu sau đó.

Ngoài ra, ở cương vị là một người lớn, khi gặp trẻ hãy chào trẻ trước, cho trẻ thấy rõ sự thiện cảm và nồng ấm từ phía mình. Và từ đó, trẻ sẽ vui vẻ chào hỏi mọi người và tạo thành thói quen tốt sau này.

Theo Sohu